Kinh Nghiệm Du Lịch Cao Bằng Trong 2 Ngày
1. THỜI GIAN ĐI DU LỊCH CAO BẰNG
Ở Cao Bằng, mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng. Nếu chưa từng đến đây, thì dù bạn đi du lịch mùa nào Cao Bằng cũng mang đến cho bạn những cảm nhận mới mẻ và vô cùng đặc biệt.
Cao Bằng mùa xuân - Ảnh: Hải Yến
Tuy vậy, theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng của những người đi trước, Cao Bằng thu hút du khách nhất vào hai thời điểm trong năm. Với những người muốn ngắm thác Bản Giốc đổ dài con nước và trong xanh tuyệt đẹp sẽ chọn thời điểm tháng 8-9 hàng năm. Tháng 11-12 là khi Cao Bằng cũng ngợp trời hoa tam giác mạch và dã quỳ vàng rực các cung đường.
Mùa thác Bản Giốc đổ dài - Ảnh: Micheal Ruan
Cao Bằng cũng không thiếu tam giác mạch - Ảnh: sưu tầm
Mùa hè nắng nóng có thể khiến tour du lịch của bạn có phần mệt mỏi. Vậy nhưng, du lịch Cao Bằng mùa hè không phải không có sự thú vị riêng của nó. Bạn có thể trốn nắng ở nơi núi rừng bạt ngàn, ngồi hóng gió ngắm suối reo cá nhảy. Đặc biệt hơn, mùa hè cũng là mùa mận chín thơm khắp núi rừng Cao Bằng. Bạn sẽ tha hồ thưởng thức mận rừng và các loại quả mùa hè ở miền biên ải này.
2. PHƯƠNG TỆN DU LỊCH CAO BẰNG
Nếu chọn phượt Cao Bằng bằng xe máy, bạn có thể lựa chọn cung đường cao tốc Hà Nội đi Thái Nguyên, Bắc Kạn rồi vào quốc lộ 3 để vào trung tâm Cao Bằng. Đây là cung đường khá đường đẹp. Tuy nhiên, nếu không có một người dày dặn kinh nghiệm phượt đi cùng, bạn không nên mạo hiểm chọn du lịch Cao Bằng bằng xe máy vì cung đường này qua những con đèo khá nguy hiểm và nhiều xe tải lớn.
Đường lên Cao Bằng khá nhiều đèo nguy hiểm - Ảnh: sưu tầm
Đến Cao Bằng, bạn có thể chọn xe buýt hoặc thuê xe máy để khám phá vùng đất núi non hùng vỹ này. Với xe máy, bạn liên hệ thuê ngay tại khách sạn mình ở. Và theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng thì xe máy chính là phương tiện tuyệt vời nhất để bạn có thể lang thang hết các chốn ở Cao Bằng.
3. VĂN HÓA DÂN TỘC Ở CAO BẰNG
Cao Bằng là vùng đất của nhiều dân tộc, nhưng chiếm đa số là người Tày (khoảng 42%), người Nùng (35%), còn lại là người Dao, H’Mông, Kinh… Vậy nên, đi du lịch Cao Bằng bạn sẽ có dịp làm quen và tìm hiểu thêm về di sản văn hóa truyền thống độc đáo của người Tày, Nùng ở đây. Người Tày có nét văn hóa rất đặc sắc thể hiện trong những làn điệu Lượn, hát then... Dân tộc Nùng sống đan chen cùng người Tày cũng có những điểm riêng về văn hóa. Người Nùng thường múa quạt, múa khăn, cây nhị và bộ xóc đồng lục lạc.
Du lịch Cao Bằng, bạn có dịp hiểu hơn về di sản văn hóa truyền thống độc đáo của người dân tộc nơi đây - Ảnh: sưu tầm
Du lịch Cao Bằng, bạn nên hiểu rõ phong tục tập quán của người dân tộc để không phạm phải những điều kiêng kỵ khi đến thăm bản làng của họ. Chẳng hạn, nếu thấy nhà của người dân có cắm một cành lá xanh thì đừng vào vì đó là dấu hiệu không cho người lạ vào nhà. Hoặc khi vào nhà, bạn không nên sờ vào các vật dụng, đồ thờ cúng trong nhà; không nên quay lưng nào nơi linh thiêng…
Bạn nên chú ý một chút khi vào thăm các bản làng dân tộc - Ảnh: Hải Yến
Người dân tộc ở Cao Bằng rất mến khách và cởi mở. Họ cũng rất nhiệt tình khi bạn nhờ họ giúp đỡ. Để thể hiện lòng hiếu khách của mình, họ thường mời rượu. Vậy nên theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng của những người đã đến đây, dù không biết uống rượu, bạn cũng nên nhấp môi một chút cho chủ nhà vui.
4. LỊCH TRÌNH VUI CHƠI 2 NGÀY
Với 2 ngày du lịch Cao Bằng, bạn hầu như có thể đi hết những điểm tham quan chính tại đây nếu biết sắp xếp cung đường cho hợp lý.
Trong ngày đầu tiên của tour du lịch, bạn nên dành cho thác Bản Giốc – động Ngườm Ngao – hồ Thang Theng. Từ thành phố đi Bản Giốc khoảng 90km, vậy nên bạn cần xuất phát từ sáng, gần trưa sẽ tới nơi. Bạn nên mang theo đồ ăn nhẹ như trái cây, bánh mì, thịt nguội để làm tiệc picnic buổi trưa bên chân thác. Giá vé vào thác Bản Giốc là 20.000 đồng/người. Bạn sẽ dành thời gian tham quan, chụp ảnh và dạo thuyền vào chân thác sau đó chọn một chỗ ngồi để bày tiệc trưa.
Mùa hè thác Bản Giốc không nhiều nước nhưng vẫn rất đẹp - Ảnh: Hải Yến
Bản Giốc mùa nước đổ đẹp như tranh - Ảnh: Phong2v
Cột mốc biên giới bên thác Bản Giốc - Ảnh: Hải Yến
Sau đó hãy rời thác đến khám phá động Ngườm Ngao, cách đó khoảng 3km. Bạn sẽ mất khoảng 1 giờ ngắm nhìn, khám phá những thạch nhũ tuyệt đẹp ở “báu vật” vùng biên ải này.
Kỹ vĩ động Ngườm Ngao và bạn sẽ mất khoảng 1 giờ để khám phá mê cung này- Ảnh: Hải Yến
Và sẽ tha hồ chụp ảnh kỷ niệm với những thạch nhũ khổng lồ - Ảnh: Hải Yến
Khi chiều buông, bạn rời động trở về thành phố. Trên đường về, bạn ghé vào khu du lịch sinh thái hồ Thang Theng ở huyện Trà Lĩnh. Tại đây, hãy thực hiện tour du lịch dạo hồ, ngắm hoàng hôn buông ở một trong 36 hồ trên núi đẹp nhất nước ta.
Dạo thuyền trên hồ Thang Then - Ảnh: sưu tầm
Ngày thứ hai trong chuyến du lịch Cao Bằng, bạn sẽ dành buổi sáng thăm khu di tích đặc biệt Hang Pác Bó, cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km. Ở Pác Bó, bạn sẽ ngắm cảnh suối Lê Nin, núi Các Mác xanh mát; thăm hang Cốc Bó nơi Bác nghỉ ngơi trong những ngày ở đây, thăm chỗ Bác ngồi câu, ngồi làm việc… Đừng bỏ qua việc “check-in” cột mốc 108 – nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Thăm suối Lê Nin, núi Các Mác ở Pác Bó - Ảnh: Hải Yến
Thăm nơi Bác từng ngồi làm việc - Ảnh: sưu tầm
Thời gian còn lại trong ngày thứ hai này, hãy dành thời gian đi thưởng thức món ngon ở Cao Bằng, khám phá thành phố vùng cao và mua quà lưu niệm du lịch Cao Bằng trước khi kết thúc tour du lịch của mình.